Từ lần xuất bản đầu tiên và duy nhất năm 2001, cuốn sách
đã tuyệt bản này là nguồn tư liệu vô giá về một giai đoạn
dày đặc biến động của lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Đọc lại
những ghi chép của nhà thơ Trần Dần (1926-1997) về thời kì Cải cách Ruộng đất và Nhân văn-Giai phẩm, tôi vẫn kinh
ngạc bởi sự thành thực tận cùng, thành thực đến tàn nhẫn
khắc nghiệt, của ông với chính bản thân mình. Cuộc vật
lộn của ông với thời đại không phải chỉ là một bi kịch từ
vị thế nạn nhân mà đa tầng, đa diện hơn nhiều: Ông cũng
là một tác nhân và trước hết là một chứng nhân lỗi lạc, với
một khả năng quan sát, phân tích, ghi nhận, diễn đạt hiếm
có và một lí tưởng sục sôi cháy bỏng với nghệ thuật văn
chương.
Ghi 1954-1960 của Trần Dần được tái bản đúng dịp tưởng
niệm 25 năm ngày ông qua đời. Tôi đã biên tập và hiệu
đính bản in năm 2001, bổ sung một số chú thích và chỉnh
sửa một số chi tiết căn cứ trên những hiểu biết ngày càng
được mở rộng trong thời gian qua, hi vọng có thể chính
thức thay thế những phiên bản trôi nổi không rõ nguồn
gốc trên mạng.
Tôi tin rằng Trần Dần rất vui lòng thấy bản PDF của cuốn
sách này là sở hữu chung của cộng đồng độc giả tiếng Việt
mà ông đã góp phần gây dựng bằng tài năng và số phận
khác thường của mình.
Berlin, 17/1/2022
Phạm Thị Hoài
---
Lời nói đầu cho lần xuất bản đầu tiên năm 2001
"Thế là tôi mất bẩy năm kể từ ngày hoà bình bắt đầu sinh sự cho
đến ngày xoá án... Bẩy năm trong văn học có nghĩa lý gì? Một
cái chớp mắt. Bẩy năm trong đời một con người thì có nghĩa lý
lắm! Chớp mắt mãi không xong." Trần Dần ghi như thế ngày
7/7/1958 khi nhận kỷ luật treo bút ba năm. Như thể ông
đã lường trước cái "mãi không xong" của ba năm rồi sẽ
thành ba mươi năm, và một lần nữa lại thu vén sao cho cái
mất càng ngày càng phình ra quái gở của số phận mình có
thể đút vừa lỗ kim bé tí của hy vọng được. "Được cái hoạn
nạn" quả nhiên là lời tổng kết cuối cùng của ông, người
mê biện chứng và nghiện nghịch lý, về "ván đời" lạ lùng
của mình.
Những ghi chép của Trần Dần tập hợp trong sách này là
chứng chỉ tự cấp về bẩy năm mở ra và quyết định cái
thành quả hoạn nạn đó. Với chúng ta, đó là những văn
liệu và sử liệu vô giá về một giai đoạn văn chương và lịch
sử cho đến nay vẫn xếp sổ, nếu quả còn có sổ. Với Trần
Dần, đó là phần mở đầu "tác phẩm dành cho một người", tác
phẩm bất đắc dĩ mà thành đồ sộ và gay cấn nhất của văn
nghiệp ông, khi "ghi trở nên một hình phạt", khi ông "bắt tội"
mình, cưỡng bức mình vào một "chế độ ghi sổ tay" ba mươi
năm ròng rã.
Tôi không có cách nào khác là tự ý chọn lựa trong di cảo
văn học của Trần Dần từ 5 tập sổ tay dày đặc những dòng
ghi vốn không dành cho công chúng để biên soạn sách
7
này. Những đoạn bỏ, đánh dấu [...], là những đoạn tôi cho
rằng riêng tư đáng được ở yên, hoặc liên quan tới những
người và việc chưa vượt cái mốc thời gian ba năm sau khi
Trần Dần qua đời, hoặc là những đoạn dùng vào một sách
khác thì hợp chỗ hơn. Những đoạn đánh dấu (...) là những
đoạn tôi đành để trống vì không đọc ra mặt chữ hoặc còn
chưa hiểu rõ ý nghĩa. Ngoài ra tôi đã phải quyết định, tuy
không hoàn toàn tin tưởng rằng đúng, là chuyển một
phần lớn phép dùng chính tả riêng của Trần Dần sang
phép chính tả thông dụng. Sở dĩ như vậy, vì tôi cho rằng
phép chính tả trong những ghi chép này một phần là thói
quen còn nhiều ngẫu nhiên của thuở ấy, một phần nhằm
mục đích ghi cho nhanh, chứ chưa đóng vai trò tất yếu
như trong một số tác phẩm sau này của Trần Dần. Còn lại,
tôi giữ nguyên văn bản như vậy: cách viết tắt tên người,
tên cơ quan, xuống dòng, gạch dưới, lối ngắt câu, lối dùng
lời thoại, v.v..., không sửa đổi, chỉnh đốn điều gì. Việc tập
hợp tài liệu, biên soạn các phần tiểu sử, phụ lục, chú thích
và thư mục do nhiều người góp sức song không tránh
khỏi thiếu sót cần bổ sung dần. Sự bổ sung đầy đủ nhất là
tiếp tục công bố những phần tiếp theo trong "tác phẩm
dành cho một người" này.
Như thế, kết quả của hình phạt với một người lại có thể là
quà tặng không ngờ tới bao nhiêu người khác.
Berlin, tháng Tư năm 2000
Phạm Thị Hoài