Description:Nghiên cứu Đánh giá tác động của
tăng thuế giá trị gia tăng đến tổng
thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia
đình ra đời trong bối cảnh, Dự thảo về
sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng của
Bộ Tài chính được đưa ra thảo luận
cùng với các Luật thuế khác để ứng
phó với tình hình ngân sách của Việt
Nam mất cân đối thu chi kéo dài và
khả năng cải thiện tình trạng này thấp.
Để đánh giá tác động đến tổng thể
nền kinh tế của việc tăng thuế suất
thuế giá trị gia tăng, nhóm nghiên cứu
sử dụng mô hình Cân bằng tổng thể
khả toán (CGE). Bên cạnh mô hình Cân
bằng tổng thể khả toán, nhóm nghiên
cứu sử dụng mô hình Hàm cầu gần
như lý tưởng (Almost Ideal Demand
System) để dự báo tác động của việc
tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng lên
phúc lợi và nghèo đói của hộ gia đình.
Theo kết quả của mô hình Cân bằng
tổng thể khả toán, động thái tăng thuế
hiển nhiên làm tăng thu ngân sách và
có thể làm tăng tổng đầu tư, tuy nhiên,
sẽ làm giảm mạnh tổng thu nhập và
tổng chi tiêu của hộ gia đình. Do đó,
tăng thuế không làm cải thiện sản lượng của nền kinh tế, thậm chí trong
một vài kịch bản còn làm cho sản lượng
của nền kinh tế bị giảm.
Tính toán cụ thể từ bộ số liệu Điều tra
mức sống hộ gia đình 2016 (VHLSS
2016), khi tăng thuế như đề xuất
của Bộ Tài chính sẽ làm cho hơn 200
nghìn người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.
Các hộ gia đình có đặc điểm như đông
người, có tỷ lệ trẻ em và người già trên
80 tuổi cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn,
chủ hộ có học vấn thấp và kỹ năng
thấp, hộ làm việc trong nông nghiệp dễ
rơi vào nghèo đói hơn các nhóm khác
khi tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Kết quả chính của nghiên cứu là tăng
thuế không làm tăng sản lượng của
nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của
tất cả các hộ gia đình. Do đó, nghiên
cứu này không đồng tình với đề xuất
tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng của
Bộ Tài chính đã đưa ra.
Cuốn sách này là tài liệu tham khảo
hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch
định chính sách, các nhà nghiên cứu
cũng như tất cả những ai quan tâm
đến vấn đề công bằng trong huy động
và sử dụng ngân sách ở Việt Nam.